Vì sao kỹ năng sơ cấp cứu là kỹ năng sống còn?
Sơ cấp cứu (First Aid) là điều trị cơ bản khẩn cấp và ngay lập tức cho nạn nhân bị chấn thương và bệnh tật cho đến khi họ nhận được sự điều trị từ y tế chuyên nghiệp.
Sơ cấp cứu là một kỹ năng sống quan trọng. Những tình huống tai nạn và bệnh tật có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, tại nhà, nơi làm việc, chốn công cộng và có thể xảy ra khi chúng ta ít ngờ đến nhất. Vì vậy, thành thạo sơ cấp cứu sẽ giúp bạn phát hiện những dấu hiệu chấn thương và bệnh tật, chuẩn bị cho bạn sự sẵn sàng để đối diện và xử lý tình huống, từ đó dành cho bản thân và người xung quanh sự giúp đỡ quan trọng với sức khỏe và tính mạng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, những kiến thức và thực hành sơ cấp cứu chưa được giảng dạy và hướng dẫn phổ biến. Hiện tại, kỹ năng sống còn này chỉ được dạy bắt buộc tại một số doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực có rủi ro sức khỏe cao. Phần lớn các nạn nhân không được sơ cứu hoặc sơ cứu đúng cách trước khi đưa đến bệnh viện, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao gây nên những nỗi đau, mất mát lớn và gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ thương tích và tử vong cao so với các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, trong đó, tai nạn giao thông và đuối nước là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Trẻ khiếm thị có thể gặp những rủi ro gì về tai nạn thương tích?
Người khuyết tật nói chung và trẻ em khiếm thị nói riêng là đối tượng chịu nhiều rủi ro về tai nạn thương tích. Đồng thời người khiếm thị càng chịu nhiều thiệt thòi khi như không có nguồn tư liệu giáo dục sơ cứu và phòng tránh thương tích bằng chữ nổi và sách nói. Khi tai nạn xảy ra, người khiếm thị cũng gặp khó khăn hơn trong việc kêu gọi sự trợ giúp, và nghiêm trọng hơn khi giáo viên và người chăm sóc không có kỹ năng sơ cứu để hỗ trợ kịp thời.
Trẻ khiếm thị không thể có những khái niệm, nhận biết và ghi nhớ chính xác mọi thứ xung quanh. Công việc của người thầy dạy trẻ là biến đổi các bài học thông thường có sử dụng thị giác thành các bài học có thể tương tác bằng nhiều giác quan khác như xúc giác (dùng chữ nổi braille) thính giác (dùng sách nói).Trong quá trình dạy và học đòi hỏi phải có sự kiên trì, tính kiên nhẫn vì khả năng tiếp thu chậm hơn học sinh bình thường.
Trường Phổ thông đặc biệt là trường chuyên biệt công lập duy nhất trên cả nước thực hiện hoạt động giáo dục và chăm sóc trẻ em khiếm thị đa tật. Qua khảo sát và thí điểm chương trình đào tạo sơ cấp cứu cho một số giáo viên Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, trường nhận thấy đây là nhóm kỹ năng rất cần thiết cho cả giáo viên và học sinh để phòng ngừa rủi ro và giảm nhẹ thương tật trong các tình huống tai nạn thương tích. Đồng thời nguồn tài liệu bằng chữ nổi và sách nói cũng rất quan trọng để phổ biến kiến thức này tới các em học sinh khiếm thị.
Dự án “Tư liệu giáo dục Sơ cấp cứu cho trẻ em khiếm thị”: Góp phần tăng cường khả năng tự bảo vệ bản thân của trẻ em khiếm thị
Thuộc Mục tiêu Phát triển bền vững số 3: Sức khỏe và có cuộc sống tốt, dự án “Tư liệu giáo dục Sơ cấp cứu cho trẻ em khiếm thị” là sự kết hợp giữa Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn SSVN Việt Nam và ASIF Foundation. Đây cũng là một bước tiếp nối của ASIF Foundation với những dự án hướng đến cộng đồng trẻ em yếu thế, sau những dự án như dự án "An toàn cho trẻ em" tại 17 Làng trẻ em SOS ở 17 tỉnh, thành phố trên cả nước, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Cải tiến Y tế (CHIR).
Trong dự án lần này, ASIF Foundation hân hạnh được hợp tác với Doanh Nghiệp Xã Hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN. Với sứ mệnh giảm thương vong có thể phòng tránh được tại Việt Nam thông qua giáo dục sơ cấp cứu chuẩn quốc tế, Survival Skills Vietnam khởi đầu là một dự án phi lợi nhuận đã chuyển mình thành Doanh Nghiệp Xã Hội Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN với các hoạt động thường xuyên và không ngừng hiện đại hóa nhằm giúp nghìn người Việt Nam tiếp cận được kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu đúng nhờ đó giúp được nhiều nạn nhân khỏi thương vong không đáng có.
Dự án sử dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện có của SSV Việt Nam để lưu hành sách nói, giảm thiểu chi phí sản xuất đồng thời tăng cường chất lượng học tập và thực hành của giáo viên không khiếm thị.
Tập huấn người chăm sóc trẻ khiếm thị: Trang bị kỹ năng sơ cấp cứu các tai nạn phổ biến để giáo viên chăm sóc trẻ khiếm thị có thể nâng cao an toàn học đường và hỗ trợ trẻ em kịp thời khi có sự cố sức khỏe xảy ra.
Sổ tay Hướng dẫn Sơ Cấp Cứu bằng chữ nổi Braille: Sổ tay hướng dẫn Sơ cấp cứu được chuyển thành định dạng chữ nổi Braille và được cung cấp tới thư viện của các cơ sở, trung tâm, mái ấm giáo dục người khiếm thị trên cả nước.
Sách nói Sổ tay Hướng dẫn Sơ cấp cứu: Sách hướng dẫn sơ cấp cứu theo định dạng sách nói/ podcast nghe trực tuyến tại các dịch vụ podcast hoặc thư viện online dành cho người khiếm thị.
ASIF Foundation hy vọng thông dự án, các em học sinh trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu, đội ngũ giáo viên nhà trường, phụ huynh của các em cũng như giáo viên và học sinh của các trường khiếm thị khác sẽ có trong tay những công cụ hữu ích và thiết thực để nâng cao ý thức tự phòng tránh thương tích, xây dựng lối sống an toàn, tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ sơ cứu một cách an toàn khi hỗ trợ nạn nhân khác.
Comments