Để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh bị rơi vào cảnh kì thị, vô gia cư do ảnh hưởng của đại dịch HIV/AIDS, vào năm 2007, các tu sĩ Camillo đã thành lập Mái ấm Naza với sứ mệnh chăm sóc cho những bệnh nhân HIV/AIDS và lao giai đoạn cuối, giúp họ tìm được bình an trong những ngày còn lại. Đến nay, mái ấm nhỏ bé này đã cưu mang và tiễn đưa hơn 500 người bệnh.
Chăm lo thể chất, chữa lành tinh thần cho người nhiễm HIV
Mái ấm Naza được thành lập vào năm 2007 nhằm đáp lại nhu cầu được giúp đỡ của những nạn nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối không có nơi ở. Tại Naza, họ được chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ tuân thủ điều trị ARV, tham vấn và cung cấp kiến thức ngăn ngừa lây truyền bệnh và lây nhiễm chéo, tất cả đều thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ.
Người bệnh tại Naza được hỗ trợ mọi mặt về chăm sóc y tế
Hầu hết các bệnh nhân đến với Mái ấm Naza đều đã rơi vào giai đoạn cuối và thường ra đi chỉ sau 1 – 2 tháng, mái ấm sẽ săn sóc họ tận tình để những ngày tháng cuối đời bớt đau đớn. Với những người bệnh nặng và cần can thiệp sâu, họ sẽ được chuyển đến các cơ sở uy tín để điều trị. Tất cả người bệnh đều được mái ấm đăng ký Bảo hiểm y tế để phòng trường hợp họ phát sinh nhiều bệnh cơ hội, mọi chi phí đều được mái ấm tài trợ. Người bệnh còn được tình nguyện viên hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ họ trong sinh hoạt hằng ngày như tắm rửa, vệ sinh thân thể cho các bệnh nhân yếu.
Một buổi sinh hoạt tại Mái ấm Naza
Ngoài việc uống thuốc, nghỉ ngơi và đi điều trị, người bệnh cũng thường xuyên được tình nguyện viên thăm hỏi, động viên tinh thần. Theo linh mục Đinh Trần Thanh Tú (phụ trách mái ấm), việc cho bệnh nhân cảm thấy được quan tâm, khơi gợi những cảm xúc tích cực ở họ là việc rất tốt để giúp họ tự hình thành đề kháng đối với căn bệnh. “Ở đây chủ yếu giúp người bệnh về tinh thần, để họ thấy có chỗ dựa và an tâm dưỡng bệnh. Đó là một trong những cách để giúp họ tự có sức đề kháng và tiếp tục sống, giúp họ chữa lành từ bên trong. Khi đời sống của họ lạc quan và có sự tin tưởng thì họ sẽ có sự thích nghi hơn với hoàn cảnh” – linh mục Tú chia sẻ.
Vực dậy niềm tin, khơi gợi động lực sống
Bên cạnh điều trị, Mái ấm Naza còn tổ chức nhiều hoạt động cho bệnh nhân như làm thiệp, móc khóa, tràng hạt, thêu tranh, văn nghệ để tạo không khí vui tươi, giúp người bệnh tạm quên đi những cơn đau của mình. Mái ấm còn tổ chức các nghi lễ tâm linh, cầu nguyện cho người bệnh để họ tìm lại được bình an, buông bỏ những dằn vặt quá khứ. Những hoạt động này đều nhằm chữa lành người bệnh từ chính trong tâm hồn họ. Nhiều bệnh nhân của Naza bắt đầu chú tâm điều trị và có tiến triển tốt về sức khỏe cũng chính là nhờ được trao cho nguồn năng lượng tích cực và vực dậy động lực sống.
Người bệnh ở Naza thường xuyên được thăm hỏi, động viên tinh thần
Mái ấm Naza còn tạo điều kiện tái hòa nhập với cộng đồng cho bệnh nhân nếu có tiến triển tốt sau quá trình điều trị. Mái ấm cung cấp thông tin, kiến thức cho bệnh nhân và người thân nhằm tăng cường sự cảm thông, xóa bỏ thái độ kì thị đối với người đang sống cùng HIV/AIDS. Những bước đầu quay về với xã hội của người bệnh cũng được Naza hỗ trợ hết mình như giúp tìm nơi ở, hỗ trợ tiền trọ, v.v… Đến nay, có khoảng 600 bệnh nhân đã rời khỏi mái ấm và sống như những người bình thường, có công ăn việc làm ổn định.
Linh mục Tú thực hiện nghi lễ cho một bệnh nhân qua đời
Đối với những bệnh nhân không may qua đời, đích thân linh mục Tú sẽ tiến hành rửa thi thể, tẩm liệm, tiến hành các nghi lễ cần thiết. Hài cốt của người bệnh sau đó sẽ được lưu giữ tại mái ấm với đầy đủ thông tin để dễ dàng tìm kiếm trong trường hợp gia đình bệnh nhân đến nhận lại. Mái ấm hiện đang lưu giữ hài cốt của hơn 500 bệnh nhân.
Hơn cả một nơi chăm lo sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, Mái ấm Naza còn như một liều thuốc giúp vực dậy niềm tin vào cuộc đời cho những số phận cùng cực nhất. Dù có thể khỏe mạnh trở lại hoặc sẽ ra đi vì bệnh nặng, tất cả người bệnh đều sẽ có những ngày tháng yên bình trên chặng đường còn lại của mình.
Σχόλια