Rào làng là phong tục truyền thống mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa đồng bào Xê Đăng. Đây cũng chính phong tục đã giúp các buôn làng Xê Đăng tại Kon Tum chống dịch hiệu quả khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Vào tháng 5, tháng 6 dương lịch, người Xê Đăng háo hức đón chờ lễ rào làng. Việc rào làng không những là lớp phòng thủ kiên cố phân định ranh giới, bảo vệ làng trước kẻ thù, thú dữ mà còn ngăn cản những thế lực xấu theo tín ngưỡng tâm linh.
Có làng khi mùa màng thất bát, dịch bệnh hoành hành hoặc trong làng có nhiều người mất sẽ rào làng để ma quỷ không vào quấy phá nữa. Nhưng cũng có làng ba năm mới rào làng một lần dù có bất kỳ biến cố gì.
Thôn Măng Rương dựng cổng khi dịch bệnh hoành hành. Nguồn: baogiaothong.vn
Tháng 8/2020, tình hình dịch bệnh ở Quảng Nam diễn biến phức tạp. Có biên giới giáp ranh với Quảng Nam, thôn Măng Rương (xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã quyết định rào làng để tiến hành công tác chống dịch.
Theo truyền thống, lễ rào làng thường được tổ chức trong 2 ngày. Trước khi nghi lễ chính thức diễn ra, toàn bộ khách đến thăm đều được tiễn về và dân làng phải có mặt đầy đủ, bởi khi rào được làm xong sẽ không cho bất kỳ ai ra vào làng, tránh điềm gở đến người dân trong làng. Những người vi phạm đều bị phạt theo lệ làng.
Một buôn làng tại Kon Tum với hàng rào kiên cố xung quanh. Nguồn: Daniel Léger
Ngày lành tháng tốt cử hành nghi lễ rào làng do chính già làng chỉ định và được sự nhất trí của cả cộng đồng. Vào ngày đầu tiên, đàn ông lên rừng đốn gỗ, tre, nứa, phụ nữ ra suối bắt cua, bắt cá, chuẩn bị các lễ vật để làm lễ cúng thần linh.
Ngày thứ hai, dân làng mới bắt đầu tiến hành dựng cổng, làm rào.Tất cả các lối đi dẫn vào làng đều được xây cổng và rào lại bằng lạt và treo thòng lòng. Riêng cổng làng được trang trí bằng các hình nộm đẽo từ thân dương xỉ, tay cầm giáo. Bức tượng này vô cùng thiêng liêng, được xem là vị thần bảo vệ và biểu trưng cho sức mạnh của cả buôn làng.
Tượng cổng làng của người Xê Đăng được trưng bày tại Quảng Nam. Nguồn: dantocmiennui.vn
Khi tất cả công việc đã xong xuôi, già làng sẽ đứng ở cổng chính, mời thần linh về chứng giám, phù hộ cho dân làng khoẻ mạnh, mùa màng tươi tốt và buôn làng không bị tai ương, dịch bệnh quấy nhiễu.
Trong thời gian giãn cách xã hội, cổng làng được dựng lên là tín hiệu cho người ngoài biết không được tiếp tục đi vào làng. Tại các cổng ra vào làng luôn có người phân công canh gác. Người lạ muốn vào làng phải có lý do chính đáng và được hội đồng làng cho phép. Dân làng ra ngoài phải quay trở về trước 17h.
Phong tục rào làng là cách để người Xê Đăng thể hiện khao khát về một đời sống ấm no, tinh thần đoàn kết và quyết tâm bảo vệ mảnh đất thuộc về mình.
Nhờ nét văn hoá đặc sắc này, đồng bào Xê Đăng tại Kon Tum đã thành công ngăn chặn Covid-19 lây lan đến buôn làng mình, dù ở sát tâm dịch Quảng Nam. Trong làn sóng dịch thứ 4, Kon Tum cũng là một tỉnh thực hiện tốt công tác chống dịch khi chưa ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng.
Theo thời gian cùng những thay đổi về lối sống, rào làng dần mai một trong văn hóa người Xê Đăng, chỉ còn một vài buôn làng thuộc xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) còn gìn giữ tập tục xưa, tuy nhiên những giá trị tốt đẹp của nó vẫn mang lại lợi ích cho người dân ngay cả trong đời sống hiện đại.
Nguồn tham khảo: baokontum.com.vn và baophapluat.vn
コメント