top of page

Yêu thương đồng hành – Giới thiệu dự án đồng hành và xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bệnh thận mạn lọc máu

 

1.      Câu chuyện thực tế và con số biết nói

Chị N.T.A ở Huyện Cần Giờ đã phải chạy thận suốt nhiều năm, và chồng chị phải từ bỏ cơ hội có công việc ổn định để dành thời gian chăm sóc vợ. Cuộc sống của gia đình họ phụ thuộc vào những công việc làm thuê không ổn định và sự trợ giúp từ người con gái làm việc xa nhà. Chị N.T.A không phải là hiếm tại Tp.HCM, khi các bệnh nhân và gia đình của họ phải đối mặt với nhiều thử thách trong hành trình điều trị, từ nỗi đau thể xác đến lo âu về tinh thần, gánh nặng tài chính, và cảm giác cô đơn khi phải tự mình chiến đấu với bệnh tật.


Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh suy thận mạn tính ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số, tương đương hơn 10 triệu người, với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Những năm gần đây, tỷ lệ người dân mắc bệnh lý suy thận có xu hướng gia tăng ở tất cả các lứa tuổi, làm giảm chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng chi phí điều trị cho bản thân người bệnh và gia đình, đồng thời tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế.


2.     Dự án Đồng hành và xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bệnh thận mạn lọc máu


ASIF-Foundation-Du-an-dong-hanh-va-xay-dung-mo-hinh-benh-nhan-than-man-loc-mau

Bệnh viện Lê Văn Thịnh – Tp. Thủ Đức, Tp.HCM hiện đang điều trị lọc máu định kỳ cho hơn 200 bệnh nhân. Theo chia sẻ của các nhân viên y tế, phòng lọc máu luôn trong tình trạng hoạt động hết công suất với 40 giường bệnh và 4 ca/ngày, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị.


Trung tâm y tế huyện Cần Giờ được xếp hạng III nên chưa được cấp phép để áp dụng một số danh mục kỹ thuật phức tạp tại trung tâm. Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính vẫn còn phải chuyển tuyến để điều trị, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo cách ngày. Do khoảng cách địa lý xa xôi và phương tiện duy nhất ra vào thành phố là phà, bệnh nhân thận mạn lọc máu phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn để duy trì việc chạy thận cách ngày tại các trung tâm chuyên khoa.


Trước thực trạng này, ASIF Foundation đã phối hợp với bệnh viện Lê Văn Thịnh để triển khai dự án “Đồng hành và xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bệnh thận mạn lọc máu” tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Trung tâm y tế Cần Giờ. Trong vòng 3 năm, dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 240 bệnh nhân lọc máu định kỳ tại các cơ sở này, đồng thời nâng cao năng lực y tế xà xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân thận mạn lọc máu. Mô hình này không chỉ đảm bảo cho bệnh nhân nhận được điều trị y tế cơ bản, mà còn được hỗ trợ tâm lý, tham gia các hoạt động cộng đồng, và các dịch vụ chăm sóc khác phù hợp với nhu cầu về thể chất, tinh thần, tâm linh và xã hội của từng người bệnh.


3.     Các hoạt động chính của dự án

Với tôn chỉ lấy bệnh nhân làm trung tâm, các hoạt động chính của dự án “Đồng hành và xây dựng mô hình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bệnh thận mạn lọc máu” đều hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và gia đình, Bao gồm:


  • Hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân Thận khó khăn bằng việc nâng cao năng lực gây quỹ của bệnh viện dành cho các hoạt động công tác xã hội; Thành lập câu lạc bộ và duy trì hoạt động định kì nhằm nâng cao kiến thức, cải thiện sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân và người thân.

  • Nâng cao năng lực khám chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu trong và ngoài nước, hợp tác với các đối tác uy tín như Đại học Y Dược – Tp.HCM, các hệ thống  Đại học Y có chuyên môn về chăm sóc giảm nhẹ tại  Singapore và Australia.

  • Xây dựng mô hình nhóm đa ngành để chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bệnh thận mạn lọc máu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Bao gồm các hoạt động: Xây dựng chương trình và quy trình hoạt động, thực hiện thí điểm trên các bệnh nhân có nhu cầu, tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động và hoàn thiện mô hình.      

  • Cải tiến dịch vụ y tế để quản lý thông tin liên quan đến bệnh nhân và quy trình lọc máu cá thể hóa cho từng người. Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân và người thân thông qua ứng dụng di động, được game hoá và tương tác trực tiếp với từng bệnh nhân.

  • Truyền thông dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa mô hình “Chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân bệnh thận mạn lọc máu” cho các bệnh viện và trung tâm y tế khác.


Để dự án có thể trở hỗ trợ thêm nhiều bệnh nhân hơn, chúng tôi rất cần sự chung tay, góp sức từ cộng đồng và các nhà hảo tâm. Mọi đóng góp, dù lớn hay nhỏ, đều có ý nghĩa trong việc giúp chúng tôi tiến gần hơn đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho những bệnh nhân mắc bệnh thận. Mọi sự hỗ trợ của quý vị đều là món quà quý giá, đem đến niềm tin và hy vọng cho những bệnh nhân đang đối diện với hành trình sống chung với bệnh thận mạn.


Liên hệ hợp tác: contact@asif.foundation

29 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page